Thương mại điện tử sẽ phát triển mạnh từ năm 2011

thuong mai dien tuViệt Nam đã mất 10 năm để phát triển cơ sở hạ tầng, chính sách, truyền thông và đưa thương mại điện tử đi vào cuộc sống. Nhưng, dự báo, năm 2011 mới là năm TMĐT phát triển mạnh.

10 năm nhìn lại

Tại Diễn đàn Thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam 2010 diễn ra ngày 1/12/2010, ông Nguyễn Thanh Hưng, Cục trưởng Cục TMĐT và CNTT, Bộ Công Thương đã báo cáo kết quả 10 năm phát triển TMĐT.

Con số quan trọng nhất thể hiện rõ sự phát triển của TMĐT là về kết nối Internet trong các doanh nghiệp (DN). Năm 2004, TMĐT phát triển mọi mặt và tăng trưởng cao về số lượng DN tham gia. Đến 2008 thì 100% DN đều kết nối Internet. Tỷ lệ DN có website năm 2004 chỉ đạt 25%, nhưng đến 2010 đã có trên 40% DN có website – con số tuy chưa phải là cao nhưng cũng cho thấy sự tăng trưởng và phát triển. Về tỷ lệ DN tham gia sàn thương mại điện tử: năm 2004 có khoảng 5-6%, nay có khoảng 15%.

“Có thể nói, tín hiệu gián tiếp thể hiện sự quan tâm đến TMĐT là, năm 2005 có gần 30 trường trên toàn quốc có giảng dạy về TMĐT, trong khi đó năm 2000 không có trường nào quan tâm đến TMĐT. Khi đó TMĐT chỉ được lồng ghép rất ít trong các môn học khác mà chưa có các môn chuyên ngành riêng về TMĐT”, ông Hưng nói. Đến nay, thống kê mới nhất của Bộ Công Thương có đến 80% trường ĐH, CĐ trên toàn quốc có giảng dạy về TMĐT, trong đó có 2 trường có riêng khoa TMĐT… Ông Hưng cho rằng, đây là tín hiệu vui, TMĐT không phải làm “du kích” như trước nữa mà giờ đây đã được đào tạo bài bản và có quy mô.

Bên cạnh đó, nhìn ở góc độ thực tiễn, kinh doanh cần phải đề cập đến chính sách. Trước năm 2004 không có một văn bản pháp luật nào quy định về TMĐT. Mà chính thức phải đền đầu năm 2006 mới có Luật giao dịch Điện tử. Và đến nay thì TMĐT đã có khá nhiểu luật văn bản, pháp luật liên quan… Bộ Công Thương cũng dự kiến cuối tháng 12 sẽ ban hành Thông tư Quy định về Quản lý hoạt động của các Website TMĐT.

Nhìn chung, TMĐT trước 2005 mới manh nha, hình thành và thiếu rất nhiều điều kiện để phát triển. Đến nay, có thể nói TMĐT đã và đang đi vào cuộc sống… Tuy nhiên, TMĐT Việt Nam vẫn chưa theo kịp với sự phát triển của TMĐT thế giới, là do không thể tách rời khỏi sự phát triển chung của kinh tế xã hội. Song, ông Hưng nhận định: “Giai đoạn 2011 sẽ là giai đoạn TMĐT phát triển mạnh…”

Kế hoạch tổng thể 2011 – 2015

Triển khai kế hoạch tổng thể phát triển TMĐT Việt Nam giai đoạn 2011 – 2015, ông Dương Hoàng Minh, Phó cục trưởng Cục TMĐT và CNTT, Bộ Công Thương cho biết, phát triển TMĐT giai đoạn mới sẽ kế thừa và phát huy những kết quả đạt được, khắc phục hạn chế, thiếu sót của kế hoạch tổng thể trước, đề ra mục tiêu, chính sách, giải pháp cụ thể để đưa TMĐT Việt Nam lên một tầm mới.

Mục tiêu cụ thể mà ông Minh đề cập là, tất cả doanh nghiệp lớn tiến hành giao dịch TMĐT, trong đó 100% sử dụng thường xuyên thư điện tử trong giao dịch sản xuất kinh doanh; 80% có website, cập nhật thông tin thường xuyên; 70% tham gia các website TMĐT để mua bán sản phẩm hàng hóa và dịch vụ; 5% tham gia các mạng kinh doanh điện tử; 20% ứng dụng các phần mềm chuyên dụng; hình thành một số sở giao dịch hàng hóa trực tuyến; hình thành một số DN kinh doanh dịch vụ TMĐT lớn có uy tín trong nước và khi vực.

Đối với các DN nhỏ, mục tiêu là 100% sử dụng thường xuyên email trong hoạt động sản xuất kinh doanh; 45% có website, cập nhật thông tin định kỳ; 30% tham gia các website TMĐT để mua bán sản phẩm hàng hóa và dịch vụ.

Bên cạnh đó, kế hoạch cũng đề ra hướng đến phát triển các tiện ích cho người tiêu dùng tham gia TMĐT như: 70% siêu thị, trung tâm mua sắm và các cơ sở phân phối hiện đại cho phép người tiêu dùng thanh toán không dùng tiền mặt khi mua hàng; 50% đơn vị cung cấp dịch vụ điện, nước, viễn thông và truyền thông chấp nhận thanh toán phí dịch vụ qua phương tiện điện tử; 30% cơ sở kinh doanh trong các lĩnh vực thương mại – dịch vụ như: vận tải, văn hóa thể thao và du lịch…

Một trong những mục tiêu không kém phần quan trọng mà ông Minh đưa ra trong kế hoạch phát triển TMĐT giai đoạn 2011 – 2015 là, đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến. Trước 2013, cung cấp trực tuyến từ mức độ 3 trở lên là 80% dịch vụ công liên quan đến xuất nhập khẩu, dịch vụ thủ tục hải quan điện tử, dịch vụ liên quan đến thuế, bao gồm khai nộp thuế giá trị gia tăng và thu thuế thu nhập cá nhân; các thủ tục đăng ký kinh doanh và đầu tư, bao gồm thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh doanh nghiệp, giấy chứng nhận đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện… Năm 2014 cung cấp trực tuyến từ mức độ 3 trở lên 50% các dịch vụ công liên quan đến thương mại và hoạt động sản xuất kinh doanh. Và năm 2015, 40% đạt mức 4 về cung cấp trực tuyến dịch vụ công liên quan đến xuất nhập khẩu; 20% dịch vụ công mức 4 liên quan đến thương mại và hoạt động sản xuất kinh doanh.

Bên cạnh đó là các mục tiêu về hoàn thiện văn bản pháp quy cho TMĐT như: quản lý website; an toàn thông tin, giải quyết tranh chấp và vi phạm pháp luật; bổ sung danh mục ngành nghề kinh doanh theo hướng TMĐT, với mã đăng ký riêng; thanh toán trực tuyến, sở hữu trí tuệ…

(Theo  PCWORLD)

Tags: 

Leave a Reply

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

*
*

Share via
Copy link