Thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt

Việc thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt còn góp phần tái cấu trúc hệ thống ngân hàng một cách thiết thực và hiệu quả thông qua việc đa dạng hóa các dịch vụ ngân hàng, đáp ứng các yêu cầu ngày càng cao của xã hội.

khong-dung-tien-mat

Ở Việt Nam, tỷ lệ tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán trong vòng 10 năm qua mặc dù đã giảm mạnh từ mức 23,7% năm 2001 xuống còn 14,02% năm 2010 nhưng vẫn còn ở mức cao so với thế giới. Rõ ràng, ở Việt Nam tiền mặt vẫn là phương thức thanh toán chủ yếu, chiếm tỷ trọng lớn trong khu vực công, doanh nghiệp và dân cư. Có nhiều nguyên nhân lý giải cho tình trạng thanh toán bằng tiền mặt, trong đó, nguyên nhân chính là do thói quen sử dụng tiền mặt của người dân, tâm lý ngại sử dụng công nghệ mới, cảm thấy không thoải mái khi sử dụng các dịch vụ thanh toán điện tử. Hạn chế về cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin của nhiều ngân hàng thương mại (NHTM) cũng làm ảnh hưởng đến việc phát triển và mở rộng khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng điện tử tới người tiêu dùng. Thêm vào đó, hệ thống quản lý thuế chưa phát triển khiến cho nhiều cá nhân, doanh nghiệp có thể “lách luật”, thích sử dụng hình thức thanh toán bằng tiền mặt vì lợi ích cá nhân, hơn là sử dụng thanh toán qua ngân hàng (chuyển khoản, ủy nhiệm chi), nhằm trốn tránh việc kiểm soát thuế từ phía các cơ quan chức năng.

Trên thực tế, việc mở rộng thanh toán không dùng tiền mặt đã thật sự mang đến nhiều lợi ích cho mỗi quốc gia: thu hút nhiều hơn các khoản tiền nhàn rỗi trong xã hội; tăng nguồn vốn cho đầu tư, mở rộng sản xuất; tăng khả năng kiểm soát khối lượng tiền trong nền kinh tế của NHT.Ư, góp phần thúc đẩy điều hành chính sách tiền tệ quốc gia; hỗ trợ các cơ quan chức năng tăng cường công tác phòng, chống tham nhũng, tội phạm kinh tế, nâng cao lòng tin của nhân dân vào Ðảng và Nhà nước. Ðặc biệt, đối với những quốc gia có hệ thống ngân hàng chưa phát triển mạnh như Việt Nam hiện nay, việc thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt còn góp phần tái cấu trúc hoạt động ngân hàng một cách thiết thực và hiệu quả thông qua việc đa dạng hóa các dịch vụ ngân hàng, đáp ứng được các yêu cầu ngày càng cao của xã hội trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng. Ngoài ra, việc không sử dụng tiền mặt trong lưu thông còn là một trong những thước đo quan trọng của việc ứng dụng công nghệ thông tin đối với các dịch vụ ngân hàng thương mại.

Ý thức được tầm quan trọng của việc mở rộng thanh toán không dùng tiền mặt ở Việt Nam, Chính phủ đã phê duyệt Ðề án TTKDTM giai đoạn 2006-2010 và định hướng đến năm 2020 theo Quyết định số 291/2006/QÐ-TTg ngày 29-12-2006. Theo đó, mục tiêu tổng quát của đề án này là nhằm đa dạng hóa dịch vụ thanh toán, phát triển cơ sở hạ tầng thanh toán, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thanh toán điện tử, chú trọng phát triển thanh toán không dùng tiền mặt trong khu vực nông thôn để đáp ứng tốt hơn nhu cầu thanh toán của nền kinh tế, giảm chi phí xã hội liên quan đến tiền mặt, tạo sự chuyển biến làm thay đổi tập quán thanh toán trong xã hội, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống ngân hàng và hiệu quả quản lý nhà nước. Mục tiêu cụ thể là phấn đấu đến cuối năm 2015, tỷ lệ tiền mặt trong tổng phương tiện thanh toán ở mức thấp hơn 11%, nâng số người dân được tiếp cận các dịch vụ thanh toán cũng như tỷ lệ người dân có tài khoản tại ngân hàng lên mức 35 đến 40% số dân.

Ðể đạt được mục tiêu trên, cần tập trung làm tốt ba nhiệm vụ chủ yếu đó là: Phát triển thanh toán điện tử với nhiều sản phẩm, dịch vụ mới, đa dạng, an toàn, thuận tiện; lựa chọn áp dụng một số mô hình thanh toán phù hợp với Việt Nam để xây dựng nền tảng, tạo bước phát triển trong hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt ở khu vực nông thôn; tăng cường quản lý thanh toán tiền mặt, giảm sử dụng tiền mặt trong các giao dịch thanh toán. Ðồng thời triển khai thực hiện đồng bộ năm nhóm giải pháp:

Một là, bổ sung, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý và cơ chế chính sách.

Hai là, nâng cao chất lượng và phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật.

Ba là, đa dạng hóa và nâng cao chất lượng các dịch vụ thanh toán, ứng dụng các phương tiện thanh toán mới, hiện đại.

Bốn là, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn trong toàn xã hội.

Năm là, đẩy mạnh các giải pháp hỗ trợ khác như tăng cường hợp tác quốc tế để nhận được sự hỗ trợ, tư vấn kỹ thuật; phối hợp giữa các cơ quan bộ, ngành trong việc triển khai các giải pháp, nâng cao chất lượng cán bộ, nhất là cán bộ tham gia xây dựng chính sách; kiểm tra, giám sát đối với các hoạt động thanh toán trong nền kinh tế…

Tính khả thi của đề án là rất rõ nét, chỉ xét riêng khía cạnh sử dụng dịch vụ in-tơ-nét, Việt Nam được coi là thị trường tiềm năng để phát triển thương mại điện tử, kéo theo đó là các dịch vụ thanh toán trực tuyến. Tuy nhiên, để biến tiềm năng đó thành hiện thực thì sự nỗ lực từ phía các cơ quan quản lý là chưa đủ, việc mở rộng thanh toán không dùng tiền mặt cũng như sự thành công của đề án đang triển khai phụ thuộc một phần rất lớn vào ý thức của từng người dân, từng doanh nghiệp hy sinh lợi ích riêng trước mắt để hướng đến lợi ích chung của toàn xã hội. Góp phần giảm tỷ lệ tiền mặt trong lưu thông và sử dụng nhiều hơn các dịch vụ thanh toán điện tử trong hoạt động kinh doanh và sản xuất, sinh hoạt. Ðồng thời, muốn phát triển các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt cần phải có sự phối hợp nhịp nhàng giữa các ngân hàng trong nước với các công ty cung cấp dịch vụ thanh toán điện tử, nhằm bảo đảm lợi ích chung của nền kinh tế, doanh nghiệp và của nhân dân.

Tags: ,

Leave a Reply

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

*
*

Share via
Copy link