Xu hướng tiếp thị nào sẽ phát triển mạnh và sẽ nổi bật trong năm 2013?

Những xu hướng tiếp thị nào sẽ tiếp tục phát triển mạnh và sẽ nổi bật hơn cả trong năm 2013? Dưới đây là dự báo của Robert Passikoff – Chủ tịch của Brand Keys, một tổ chức tư vấn chuyên giúp các doanh nghiệp tìm ra những yếu tố tạo nên lòng trung thành của khách hàng.

xu-huong-marketing-2013

1. Chú trọng hơn vào việc tìm hiểu những kỳ vọng của khách hàng

Trong hơn một thập niên qua, kỳ vọng của khách hàng đã tăng lên 28%, nhưng các nhãn hiệu ở tất cả các lĩnh vực chỉ giúp họ thỏa mãn được 8%. Rõ ràng, đang có một khoảng cách lớn giữa những gì khách hàng mong đợi và sự đáp ứng của các doanh nghiệp. Chỉ khi hiểu rõ được các mong đợi thật sự của khách hàng thì doanh nghiệp mới tạo ra được các sản phẩm và dịch vụ có những giá trị khác biệt so với các đối thủ cạnh tranh và làm hài lòng khách hàng.

2. Thỏa mãn nhu cầu cá biệt của từng khách hàng tiếp tục là một yếu tố quan trọng để tạo ra sự khác biệt

Xu hướng này còn được gọi là “me-tail”, được nổi lên trong bối cảnh người tiêu dùng ngày càng nhận thức rõ vai trò làm chủ của mình trong suốt một quá trình, từ lúc tham gia với các doanh nghiệp tạo ra sản phẩm hoặc dịch vụ cho đến khi mua hàng và sử dụng chúng. Đây cũng là một cách đầu tư hữu hiệu để củng cố lòng trung thành của khách hàng và cải thiện khả năng sinh lợi của các doanh nghiệp.

3. Kênh bán lẻ trực tuyến tiếp tục phát triển mạnh

Cùng với mong đợi của khách hàng, hoạt động bán lẻ trên mạng Internet (e-tailing) đã và đang tăng trưởng khá nhanh. Môi trường này có điểm mạnh là giúp doanh nghiệp tương tác nhanh chóng với các khách hàng và tạo ra sự gắn kết chặt chẽ hơn với họ. Điều đó cũng có nghĩa là kênh bán lẻ trực tuyến sẽ giúp các doanh nghiệp cải thiện đáng kể lòng trung thành của khách hàng.

4. Tạo được khả năng cạnh tranh cao nhờ biết quan tâm sâu sắc đến các khách hàng

Những nhãn hiệu mạnh sẽ là những nhãn hiệu biết cách quan tâm đến mọi nhu cầu của khách hàng và làm họ thỏa mãn. Hiểu được những yếu tố nào khiến cho khách hàng trở thành người hâm mộ của nhãn hiệu sẽ tạo ra một nền tảng vững chắc giúp doanh nghiệp có được sự khác biệt trong cạnh tranh.

5. Tiếp thị thông qua những câu chuyện hấp dẫn

Các nhãn hiệu vẫn cần tìm ra những cách kể chuyện có sức thuyết phục và lôi cuốn để tạo ra sự kết nối tình cảm và mối quan hệ gắn kết với khách hàng. Hiểu được khoảng cách giữa các khía cạnh tạo ra cảm xúc của một nhãn hiệu và nhận thức của người tiêu dùng về nhãn hiệu đó sẽ giúp doanh nghiệp có cơ hội xây dựng những câu chuyện độc đáo để tạo ra sự khác biệt, đem đến niềm vui cho khách hàng và khiến họ gắn bó hơn với doanh nghiệp.

6. Hướng đến một nhãn hiệu “xanh”

Mua bán các nguyên liệu, bán thành phẩm và sản xuất theo hướng bảo vệ môi trường hay ủng hộ xu hướng tiêu dùng có trách nhiệm xã hội sẽ trở thành một trong những chiến lược giúp doanh nghiệp phát triển bền vững và có được cộng đồng khách hàng trung thành.

7. Tận dụng tối đa ảnh hưởng của tiếp thị bằng truyền thông xã hội

Thông tin từ các mạng xã hội sẽ có một tác động ngày một lớn lên các quyết định mua hàng của người tiêu dùng. Các nhãn hiệu phải chấp nhận một thực tế là thông tin trên các kênh này có thể được diễn đạt theo nhiều chiều hướng tốt xấu khác nhau và hoàn toàn do các cộng đồng khách hàng trên các mạng xã hội này làm chủ. Hiểu được khách hàng và nói được ngôn ngữ của họ sẽ giúp các doanh nghiệp khai thác hiệu quả kênh tiếp thị mới mẻ này.

8. Tăng cường tiếp thị qua các thiết bị di động

Các thiết bị di động đang và tiếp tục sẽ là kênh tiếp thị chính để các nhà bán lẻ thử nghiệm phản ứng của người tiêu dùng đối với các sản phẩm hay dịch vụ mới. Người tiêu dùng có xu hướng ngày càng lệ thuộc vào các thiết bị này để tương tác với các nhãn hiệu và ra các quyết định mua sắm. Tạo ra các giao diện và cách kết nối thân thiện sẽ là tiêu chí đầu tiên để các công ty quảng bá và bán các sản phẩm hay dịch vụ của mình qua kênh tiếp thị này.

9. Cung cấp nhiều ứng dụng trên các thiết bị điện thoại di động

Thay vì phải lên trang web của các công ty để tìm hiểu thông tin về sản phẩm và mua hàng, người tiêu dùng đang có xu hướng thiên về các phần mềm ứng dụng do các doanh nghiệp thiết kế và tích hợp trên các hệ điều hành phổ biến ở các thiết bị di động (vì người sử dụng có thể tải về và sử dụng rất dễ dàng). Có thể thấy xu hướng này đang trở nên rất phổ biến trong ngành du lịch và lữ hành, mà các nhãn hiệu đang nổi lên như Agoda, Kayak… đang vận dụng khá thành công.

10. Nỗ lực nhiều hơn để gắn kết với khách hàng trong mọi khâu của quy trình sản xuất – kinh doanh

Những khách hàng chưa thật sự gắn bó với nhãn hiệu của doanh nghiệp là một nguồn vốn đầy tiềm năng nhưng lại dễ bị mất mát nhất. Các doanh nghiệp sẽ phải đầu tư nhiều hơn nữa để gắn kết với khách hàng trong mọi hoạt động của mình, từ khâu thiết kế sản phẩm đến tạo lập các kênh phân phối, tiếp thị và chăm sóc khách hàng, làm sao cho khách hàng cảm nhận được họ như là một mắt xích không thể thiếu trong quy trình sản xuất – kinh doanh của doanh nghiệp, nơi mà mọi thứ được tạo ra cũng chỉ nhằm mục đích duy nhất là thỏa mãn tốt nhất các nhu cầu của họ.

(Sem Vietnam – Theo DNSGCT)

Tags: 

Leave a Reply

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

*
*

Share via
Copy link