TMĐT Việt: Mãi vẫn chưa hết… “làm quen”!

Năm 2005, sự bùng nổ của những cá thể bán hàng trực tuyến tự do trên trang muare đã khiến nhiều người đặt vấn đề: “Bao giờ thì Thương mại điện tử chính quy theo kịp… nghiệp dư?”. 6 năm đã trôi qua, nhưng dường như Thương mại điện tử Việt Nam vẫn chưa thể thoát khỏi những câu hỏi kiểu: “Làm thế nào để cất cánh? “Bao giờ thì phát đạt?”, “Nút thắt nằm ở đâu?”.

Theo Báo cáo Thương mại điện tử (TMĐT) năm 2010 do Bộ Công Thương phát hành mới đây, khi đánh giá về xu hướng doanh thu qua TMĐT, 64% số doanh nghiệp thừa nhận doanh thu có tăng và người dùng biết đến doanh nghiệp nhiều hơn. Còn khi xét theo địa bàn hoạt động, các doanh nghiệp tại TP.HCM đạt kết quả khả quan nhất từ việc ứng dụng TMĐT: 68% doanh nghiệp tại HCM cho biết doanh thu bán hàng qua TMĐT tăng, 32% không đổi và không có DN nào có doanh thu giảm. Rõ ràng, tầm quan trọng của các kênh điện tử đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp là không thể phủ nhận.online-shopping

Không chỉ đánh giá hiệu quả, báo cáo cũng chỉ ra trở ngại lớn nhất đối với doanh nghiệp khi triển khai TMĐT. Dựa trên kết quả khảo sát, rào cản lớn nhất được cho là “Nhận thức của người dân về TMĐT còn rất thấp” và “Môi trường xã hội và tập quán kinh doanh”. Tâm lý “tiền tươi thóc thật”, mua bán phải “nhìn tận mắt, sờ tận tay, thử tận người”, giao dịch phải trực tiếp, mặt đối mặt, thậm chí phải biết đích xác gốc tích của sản phẩm, dịch vụ, doanh nghiệp ở đâu “phòng khi có kiện cáo, sửa chữa, bảo hành gì còn có nơi để gõ đầu”…. vẫn cực kỳ phổ biến trong người dùng.

Bên cạnh đó, do chưa có nhiều cơ hội tiếp cận với mạng Internet, số đông người dùng chưa thấu hiểu các quy trình mua bán, giao dịch trực tuyến. Vì thế, họ tỏ rõ sự e ngại về các vấn đề như bảo mật, thanh toán. Đó là chưa kể không phải ai cũng sở hữu thẻ tín dụng, thẻ ghi nợ hoặc đã đăng ký sử dụng dịch vụ Internet Banking của thẻ nội địa để thanh toán trực tuyến.thuong-mai-dien-tu-viet-nam

Theo một chuyên gia của Alibaba, sàn TMĐT lớn thứ hai tại Trung Quốc, thì một lý do rất quan trọng nhưng lại bị Báo cáo “bỏ quên”, là việc TMĐT Việt Nam chưa tạo được động lực để thôi thúc, thúc ép người dùng sử dụng dịch vụ. “Sản phẩm chưa đa dạng, phong phú, thiếu sự tham gia của những thương hiệu lớn, có uy tín, được công chúng tin tưởng, chưa có những sản phẩm “đinh” mà người dùng không thể tìm thấy ở kênh bán lẻ nào khác..”, vị này phân tích. Đấy là chưa kể đến vấn đề an ninh mạng chưa đảm bảo nên càng khiến người dân e dè hơn.

Tuy nhiên, theo chuyên gia này, TMĐT Việt thời gian gần đây đã có được một luồng gió mới nhờ sự sinh sôi nảy nở mạnh mẽ của một loạt các website ăn theo mô hình Groupons như Muachung, Nhommua, Cucre, Hotdeal, Phagia….Tính đến thời điểm này, các website mua theo nhóm đã thu hút được khá nhiều sự quan tâm của người dùng và cũng đang kinh doanh khá phát đạt, thể hiện ở việc liên tục mở rộng chi nhánh, tấn công “trong Nam ngoài Bắc”. Bí quyết thành công của họ không chỉ ở mức giảm giá hấp dẫn, mà còn vì những sản phẩm mà họ cung cấp khá đặc thù, tập trung vào các nhu cầu cơ bản của người dùng như ăn uống, du lịch, xem phim, làm đẹp… Những dịch vụ này, cộng với mức giá rất hời, hầu như không thể kiếm được ở các kênh bán lẻ truyền thống, nên người dùng tỏ ra sẵn sàng “móc ví”.

Tuy vậy, cũng theo vị chuyên gia của Alibaba thì một lượng lớn các DN VN vẫn chưa coi các sàn TMĐT tập trung là một kênh bán hàng thực sự, cũng vì thế mà họ hoạt động khá thụ động, không có kế hoạch đầu tư bài bản, “làm gian hàng cho ra tấm ra món”. Một cuộc khảo sát với 500 DN Việt cho thấy, chỉ có 30% coi sàn TMĐT là một trong những kênh bán hàng hiệu quả, số còn lại lên sàn vì đủ lý do khác nhau: 20% tìm kiếm khách hàng, 15% xem sàn là phương tiện quảng bá thương hiệu đơn thuần chứ không chú trọng bán hàng; 20% đăng sản phẩm để thăm dò nhu cầu thị trường, 5% tham gia để tìm hiểu đối thủ cạnh tranh…. Khi được yêu cầu so sánh sàn TMĐT với các kênh giao thương truyền thống, có tới 40% doanh nghiệp khẳng định chỉ thích giao thương qua kênh truyền thống và 30% thích sử dụng cả hai kênh cho… an toàn.

“Có thể thấy là nhận thức của các DN Việt về TMĐT vẫn còn thấp nên chưa có sự đầu tư đúng mức cho kênh này. Nhưng nói đi cũng phải nói lại, cũng có một số DN mạnh dạn đầu tư không ít tiền, nhưng lại chưa tích cực hoạt động, hoặc chưa khai thác TMĐT đúng hướng nên hiệu quả đạt được không cao”, vị này kết luận.

Trong một cuộc Hội thảo về Xúc tiến TMĐT hồi cuối tháng 3, đại diện Bộ Công Thương đã khẳng định, “Với các quốc gia có thế mạnh về sản phẩm chất lượng và giá rẻ như Việt Nam, các kênh tiếp thị hiệu quả như giao dịch TMĐT đóng vai trò quan trọng giúp doanh nghiệp xuất khẩu thành công. Các doanh nghiệp thủ công mỹ nghệ, nông sản, thủy sản, may mặc đều có thể biến TMĐT thành tấm “giấy thông hành hiệu quả” để xâm nhập các thị trường quốc tế”.

Còn theo đại diện của Ngân hàng Nhà nước, giai đoạn 2011- 2015 được xác định là giai đoạn trọng tâm trong quá trình phát triển mạnh mẽ của việc thanh toán không dùng tiền mặt, vốn là nền tảng quan trọng của TMĐT. Từ định hướng của Chính phủ đối với TMĐT đến sự hoàn thiện về hạ tầng (Internet, di động, POS…) đều cho thấy thị trường Việt Nam đã sẵn sàng cho giai đoạn hòa nhập thị trường thanh toán điện tử. Ngoài ra trong điều kiện giá cả, chi phí ngày càng tăng như hiện nay thì mua hàng trên mạng còn giúp người dùng giảm bớt thời gian đi lại, đỡ kẹt xe, tiết kiệm tiền xăng và dễ săn được những mức giá hời hơn.

Lợi ích thì đã rõ ràng như vậy, nhưng với những người am hiểu TMĐT tại Việt Nam, mô hình này vẫn phải “cần thêm thời gian”. Từ thói quen mua hàng ngoài chợ chuyển vào siêu thị đã là một bước tiến trong tư duy, giờ đây từ việc trả tiền mặt đến thanh toán điện tử vẫn đang trong giai đoạn “làm quen”. Chỉ có điều thời gian “làm quen” này sẽ kéo dài bao lâu thì không ai dám nói chắc.

(Sem Vietnam – Theo Vietnamnet)

Tags: 

Leave a Reply

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

*
*

Share via
Copy link