Thương mại điện tử là công cụ đắc lực và hiệu quả của DN

“Những mục tiêu của kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử (2006-2010) tưởng chừng là tham vọng đã được hoàn thành trong 2010. Hiện Việt Nam đang ở vị thế rất thuận lợi để đẩy mạnh thương mại điện tử trong 5 năm tới”. Đó là nhận định của bà Lại Việt Anh – Trưởng phòng Pháp chế và Công nghệ Thông tin (Bộ Công thương) tại Hội thảo Phát triển thương mại điện tử giai đoạn 2011-2015 được tổ chức sáng 19/4.

thuong-mai-dien-tuTheo bà Lại Việt Anh, sau 5 năm triển khai kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử (2006-2010), đã có 60% DN lớn tiến hành thương mại điện tử B2B (70% thiết lập website, 95% nhận đơn đặt hàng qua các phương tiện điện tử, 96% sử dụng thư điện tử thường xuyên cho mục đích kinh doanh); 80% DN vừa và nhỏ tiến hành thương mại điện tử B2B hoặc B2C; 10% hộ gia đình tham gia thương mại điện tử B2C/C2C, đã ứng dụng thương mại điện tử trong mua sắm Chính phủ. Về phía cơ quan nhà nước, khung pháp lý chính sách về ứng dụng thương mại điện tử trong mua sắm Chính phủ đã hình thành. Thông tin đầu thầu, mua sắm công được công bố rộng rãi trên website các Bộ ngành và UBND, các tỉnh, thành phố.

Trên thực tế, ngoài những kết quả đã đạt được như trên thì việc thực hiện kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử cũng gặp những khó khăn nhất định trong tiến trình thực hiện như chỉ số xếp hạng mức độ sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng CNTT còn thấp, cơ sở hạn tầng CNTT chưa đáp ứng yêu cầu, triển khai ứng dụng CNTT các doanh nghiệp nhìn chung còn hạn chế, hiệu quả chưa cao. Việc phát triển nguồn nhân lực và đầu tư cho ứng dụng và phát triển CNTT của các doanh nghiệp chưa được quan tâm đúng mức…

“Tuy nhiên, hiện Việt Nam đang ở vị thế rất thuận lợi để đẩy mạnh thương mại điện tử trong 5 năm tới, giai đoạn vừa qua là giai đoạn chuẩn bị, 5 năm tới sẽ là giai đoạn cất cánh” – bà Lại Việt Anh đánh giá.

Sau giai đoạn 2006-2010, kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử tiến tới giai đoạn 2011-2015 với mục tiêu tổng quát là làm cho thương mại điện tử được sử dụng phổ biến và đạt mức tiên tiến trong các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của DN và năng lực cạnh tranh quốc gia thúc đẩy quá trình công nghiệp hoá – hiện đại hoá đất nước.

Việt Nam phấn đấu tất cả doanh nghiệp lớn tiến hành giao dịch thương mại điện tử, trong đó 100% sử dụng thường xuyên thư điện tử trong giao dịch sản xuất kinh doanh; 80% có website, cập nhật thông tin thường xuyên; 70% tham gia các website thương mại điện tử để mua bán sản phẩm hàng hóa và dịch vụ; 5% tham gia các mạng kinh doanh điện tử; 20% ứng dụng các phần mềm chuyên dụng; hình thành một số sở giao dịch hàng hóa trực tuyến; hình thành một số doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ thương mại điện tử lớn có uy tín trong nước và khu vực.

Theo bà Việt Anh, nhóm giải pháp cốt lõi để phát triển kế hoạch tổng thể này là phải dựa vào năng lực và sự nhanh nhạy của các cơ quan quản lý nhà nước. Ngoài ra, tổ chức hoàn thiện bộ máy ở địa phương, phân công rõ ràng chức năng, nhiệm vụ về thương mại điện tử, cần có tính ổn định trong một thời gian; xây dựng những chính sách, định hướng triển khai, bố trí cán bộ, đào tạo với cán bộ quản lý Nhà nước tại địa phương…

Đưa ra những kinh nghiệm trong quá trình phát triển thương mại điện tử tại Trung Quốc, ông Sun Yan – Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Thương hội Trung Quốc, chi nhánh TP. HCM cho biết, ứng dụng của thương mại điện tử trong lĩnh vực xuất nhập khẩu luôn luôn dẫn đầu các lĩnh vực khác. Tại Trung Quốc các DN xuất khẩu đã đi đầu trong các tiêu chuẩn quốc tế. Năm 2010, tổng giá trị nhập siêu của Việt Nam từ Trung Quốc là 12,6 tỷ USD từ Trung Quốc. Ông đặt hy vọng thương mại điện tử có thể giúp Việt Nam cân bằng lại xuất nhập khẩu của Việt Nam từ Trung Quốc.

Ông cũng đưa ra kiến nghị cho sự phát triển thương mại điện tử ở Việt Nam đó là: phải xem trọng thành tựu của cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật trên thế giới; chú trọng nghiên cứu tìm hiểu lý thuyết thương mại điện tử, tăng cường hợp tác với đơn vị nghiên cứu và các trường Đại học, thúc đẩy nghiên cứu lý thuyết thương mại điện tử; tích cực giao lưu hợp tác Quốc tế trong lĩnh vực thương mại điện tử, xây dựng cơ chế hợp tác, tổ chức các buổi thảo luận xoay quanh chủ đề trọng điểm trong lý thuyết thương mại điện tử; gia công nguồn nhân lực cho thương mại điện tử.

Ứng dụng thương mại điện tử và CNTT là hoạt động không thể thiếu trong chiến lược kinh doanh của DN, đặc biệt là DN vừa và nhỏ của Việt Nam. Thứ trưởng Bộ Công thương Lê Danh Vĩnh nhấn mạnh thương mại điện tử sẽ thực sự trở thành công cụ đắc lực và hiệu quả của DN trong hoạt động sản xuất và kinh doanh.

(Sem Vietnam – Theo Diễn Đàn Doanh Nghiệp)

Tags: 

Leave a Reply

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

*
*

Share via
Copy link